Về cùng khởi nghiệp xanh

PGS-TS Phan Thanh Bình
Các bạn trẻ đang bày ra và tôi đã thấy bầu trời mênh mông xanh, thật đẹp của làng quê, đất nước, từ Bắc đến Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng, tràn đầy sức sống, hừng hực đam mê vươn lên, chứ nào đâu là dịch bệnh, nào đâu chỉ là ly nông!
“Tôi chỉ là kẻ đến sau”
Khi chương trình Khởi nghiệp xanh của BSA triển khai được gần 10 năm, thì tôi mới được tham gia các hoạt động. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi là cùng các anh chị chuyên gia nông nghiệp, quản lý, các nhà khoa học, các doanh nhân… những người rất có kinh nghiệm với khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh giá những đề án đã được chọn vào vòng chung kết. Thôi thì cuộc đời là những chuyến phiêu lưu đi tìm cái mới, sáng tạo, thì ngại gì không tham gia lời rủ rê này của BSA, khi mà mình gắn bó với BSA từ lâu, biết những cuộc “phiêu lưu” của BSA luôn hấp dẫn. Và nhất là cái tên của chuyến phiêu lưu này đã hay rồi: Khởi nghiệp, mà phải Xanh nữa (thường khởi nghiệp là rất mạo hiểm, nên tôi vẫn nghĩ khởi nghiệp là gắn với màu… đỏ).
Ngày đầu tiên…
Ngày đầu tiên tôi đến tham gia Hội đồng của Khởi nghiệp xanh là trong những ngày Sài Gòn vừa bước qua cơn đại dịch COVID-19 năm 2021. Đường phố, con người như còn rụt rè, dè dặt trong ánh mắt, cái bắt tay…, khẩu trang vẫn còn che những nụ cười, chưa được nhìn trọn vẹn đôi má hồng người con gái… Tôi nghĩ, chắc rồi cuộc thi thì đến hẹn phải lên thôi, chứ vừa qua cơn dịch thì khởi nghiệp là khó rồi. Thế nhưng khi bước vào cuộc chơi, tôi hoàn toàn bất ngờ, không như mình nghĩ. Trước mắt tôi là những con người trẻ, những nhà nông mới, những doanh nhân trẻ mạnh mẽ trên mảnh đất quê hương mình, những “doanh nông” như BSA vẫn gọi, như chưa từng trải qua cơn đại dịch, năng động, sáng tạo, tự tin với những dự án khởi nghiệp đầy tâm huyết, trí tuệ và khoa học. Cuộc sống nông thôn hừng hực đi lên kìa.
Bạn đưa tôi từ ngọt ngào con tôm của mênh mông rừng ngập mặn Cà Mau, đến trái táo hữu cơ Ninh Thuận, trái lê đặc sản Hà Giang; những sản phẩm mới từ mật hoa dừa nước Trà Vinh, đến dầu trái bơ Đắk Lắk, rồi vòng về con ong dú Ninh Thuận, cái giống ong mà tôi chỉ mới nghe lần đầu. Những nông sản tưởng quen thuộc, giản đơn cũng được nâng lên một giá trị mới, với công nghệ, khoa học và tâm huyết của những bạn trẻ khởi nghiệp: củ sen kẹp bơ, tinh dầu xông (Đồng Tháp), bột rau (TP. HCM), đến cả tương ớt (TP.HCM) cũng quyết tâm vươn ra quốc tế cùng Sriracha. Và đâu chỉ là nông sản, đồng quê của ta còn cả phương thức sản xuất mới, cánh đồng chia sẻ (Hải Phòng) đến du lịch nông thôn (Bến Tre)…
Những dự án, những Khởi nghiệp xanh này, đâu phải còn nằm trên giấy mà đã là những hoạt động triển khai đầy triển vọng và đang phát triển, dù ngay trong thời dịch bệnh. Các tiến bộ về công nghệ thông tin, mạng xã hội, Tiktok… đã được các doanh nông trẻ tìm hiểu khai thác, nhằm chuyển đổi phương thức kinh doanh để phục vụ xã hội, thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh và không để cho dự án của mình bị dừng lại. Cái bài học rút ra từ những thành quả thực tế, trong giai đoạn khó khăn này mà tôi cảm nhận sâu sắc, là nhận thức về trách nhiệm xã hội hiện rõ trong từng dự án. Dịch bệnh không ngăn được các doanh nông trẻ chùn bước, mà những khó khăn, thử thách đó càng rèn thêm ý chí, nặng hơn trách nhiệm, dày hơn kinh nghiệm và để thấm hơn thế nào là Khởi nghiệp xanh.
Bầu trời xanh
Các bạn trẻ đang bày ra và tôi đã thấy bầu trời mênh mông xanh, thật đẹp của làng quê, đất nước, từ Bắc đến Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng, tràn đầy sức sống, hừng hực đam mê vươn lên, chứ nào đâu là dịch bệnh, nào đâu chỉ là ly nông! Một mô hình nông thôn mới với tư duy chuyển các tài nguyên bản địa thành các nông sản, sản phẩm xanh có giá trị, chuẩn mực và vươn ra thị trường trong, ngoài nước. Những ước mơ khởi nghiệp từ nông thôn. Ước mơ về một nông thôn khá giả, với những doanh nhân trẻ đang khao khát mạnh mẽ vươn lên.
Các bạn trẻ đã kéo tôi từ cuộc phiêu lưu, với những nghĩ suy còn dè dặt của những ngày phong thành, về với đời thường của những sản phẩm nông nghiệp bản địa được khoác lên cái áo mới của Khởi nghiệp xanh.
Từ một người cứ tưởng mình biết nhiều, đến cùng cuộc chơi để “chấm” các dự án, tôi trở thành một người đi học. Học từ các bạn. Cảm ơn các bạn đã cho tôi biết, hiểu thêm những sản phẩm bản địa phong phú, giàu có của các địa phương; học ở các bạn nhiệt tâm vươn lên trong khó khăn của quá trình khởi nghiệp ở nông thôn, trong giai đoạn đất nước trải qua cơn đại dịch. Học ở các sáng kiến, sáng tạo táo bạo, hồn nhiên nhưng thực tế của các bạn. Học ở tâm huyết của các chuyên gia tư vấn, của những anh chị BSA đã đeo đuổi một giấc mơ Xanh, một nông thôn phát triển khá giả, xây dựng một lớp doanh nông trẻ cho ngày mai.
Tôi cứ ước ao
Thế là tôi đã được nhận là thành viên “không chính thức” của Khởi nghiệp xanh. Được tiếp tục tham gia hội đồng đánh giá/học hỏi, được phỏng vấn và giờ là được mời viết cho cuốn sách 10 năm Khởi nghiệp xanh.
Nói gì? Thì trên đây tôi đã nói hết rồi, tuy nhiên vốn là một người ở trường đại học, có tham gia chút ít về khởi nghiệp – sáng tạo, mày mò với các startup khoa học/công nghiệp, tôi biết và hiểu rằng khởi nghiệp luôn rất khó.
Và vì thế tôi cứ ước ao.
Ước rằng Khởi nghiệp xanh không chỉ là một sáng kiến tâm huyết của BSA mà phải là một chính sách của nhà nước. Ước gì các bộ ngành, nhà nước, địa phương… cùng tham gia vào. Ước gì có các chủ trương, chính sách của nhà nước, ước gì có các nhà đầu tư (đầu tư mạo hiểm) khởi nghiệp xanh. Ước gì…
Để rồi nông thôn ngày càng xanh hơn và một lớp doanh nông bên cạnh các nông dân kiểu mới hình thành, ngày càng phát triển. Nông thôn đâu phải chỉ có công nghiệp hóa, hiện đại hóa… và càng không thể nào đô thị hóa nông thôn!
Ước mơ chỉ có thể thành sự thật khi chúng ta không ngồi yên một chỗ. Và BSA đã làm, những doanh nông trẻ chưa phải là nhiều nhưng đang nối nhau, lớn lên, phát triển.
Cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2023 đã được triển khai. Tiếp tục và mạnh mẽ hơn.
Khởi nghiệp xanh bước vào năm thứ 10. Xanh. Hy vọng!
PGS.TS Phan Thanh Bình – Nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
(Trích từ sách “10 năm Khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa”)